Hội thảo IELTS - Chìa khóa mở cửa tương lai, do Hội đồng Anh và Trung tâm Ngoại ngữ ECE tổ chức sáng 29/7, thu hút nhiều học sinh, sinh viên. Tại đây, các chuyên gia tập trung chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi Viết (Writing) của IELTS.
Ông Oliver Holmes, chuyên gia của Hội đồng Anh, cho biết bài thi IELTS gồm hai phần, Task 1, Task 2 và được đánh giá theo 4 tiêu chí. Đó là Task Achievement (Đúng yêu cầu của đề bài), Coherence & Cohesion (Mạch lạc và chặt chẽ), Lexical Resoure (Khả năng sử dụng vốn từ và các khía cạnh liên quan đến từ vựng) và Grammatical Range & Accuracy (Phạm vi và độ chính xác của ngữ pháp).
Với bài Task 1, yêu cầu phổ biến là mô tả căn phòng, bản đồ, một quá trình hay phân tích các loại biểu đồ. Theo ông Oliver, ở phần mở bài, thí sinh cần diễn giải yêu cầu đề bài bằng ngôn ngữ của mình thay vì sao chép y nguyên câu chữ. Trong đó, thí sinh xác định được câu hỏi nhắc đến những đối tượng nào, đơn vị gì và thời gian ra sao.
Phần mở bài quan trọng nhất là viết câu khái quát (overview). "Việc gây ấn tượng với giám khảo trong câu đầu tiên của bài viết của bạn bằng câu overview rất quan trọng", chuyên gia Hội đồng Anh, nói.
Thí sinh có thể chọn cấu trúc: "Overall, it can clearly be seen that..." để bắt đầu bài làm. Ông Oliver ví dụ cách viết câu overview về mức tiêu thụ cá và thịt của người dân theo tuần trong giai đoạn từ năm 1979 đến năm 2004. Thay vì viết: "Overall, consumption decreased" (Nhìn chung, mức tiêu thụ giảm), thí sinh có thể viết: "Overall, It can clearly be seen that while the consumption of most meat products decreased over the given period, chicken consumption increased to take first place, replacing beef, while fish consumption remained the lowest throughout the period" (Nhìn chung, có thể thấy rõ ràng rằng trong khi mức tiêu thụ hầu hết các sản phẩm thịt giảm, mức tiêu thụ thịt gà lại tăng lên chiếm vị trí dẫn đầu, thay thế thịt bò, còn mức tiêu thụ cá vẫn ở mức thấp nhất suốt giai đoạn này).
Ông Oliver nói bài viết Task 1 luôn phải có sự so sánh. Thí sinh có thể dùng các từ như While, Whereas... để thể hiện điều này.
Trước thắc mắc của một sinh viên về việc đã nêu lên sự khác biệt trong bài viết song vẫn không đạt điểm cao, cô Đoàn Thị Nương, giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng đạt 8.5 IELTS, lý giải so sánh và so sánh hay là khác nhau.
Khi nói đến việc tăng hay giảm, thí sinh phải thể hiện được tăng mạnh hay giảm mạnh, so sánh với bản thân chủ thể, gấp bao nhiêu lần hay có gì khác biệt. "Không phải chỉ dùng cấu trúc so sánh là được. Muốn hay, bạn phải so sánh nhiều lần", cô Nương cho biết.
Thạc sĩ Đỗ Hà Phương, Phó giám đốc học thuật của ECE, nhìn nhận thí sinh cần nhìn thấy sự đối lập khi biểu đồ có hướng đi lên, đi xuống hay dao động khi so sánh. Nếu mô tả tăng từ mức A lên mức B, thí sinh chỉ đang liệt kê.
"Đó không phải thứ giám khảo muốn thấy. Họ muốn bạn chỉ ra con số đấy có ý nghĩa gì. Nhìn vào xu hướng là cách so sánh dễ nhất", cô Phương nói, thêm rằng, khi so sánh, thông tin giống nhau, khác nhau nên được gộp thành từng nhóm và để ý tới "lớn nhất, nhỏ nhất hay khác biệt nhiều nhất".
Về bài viết Task 2, các chuyên gia cho hay có một số dạng phổ biến như thảo luận hai ý kiến, nêu thuận lợi và không thuận lợi, bày tỏ quan điểm đồng ý hay không đồng ý, nêu nguyên nhân, hậu quả, giải pháp.
Với dạng này, điều quan trọng là thí sinh phải biết cách lập dàn ý trước khi viết. Ông Oliver gợi ý kẻ bảng để vạch ra các ý tưởng. Ví dụ đề bài nói về việc hiện nay trẻ dành quá nhiều thời gian cho Internet và hỏi điều này ảnh hưởng tới các em ra sao về mặt thể chất, tinh thần và xã hội, cũng như làm sao để bảo vệ trẻ khỏi các tác động tiêu cực. Ông Oliver chia hai cột, bên phải là những hậu quả về ba khía cạnh trên nếu sử dụng Internet quá nhiều; bên trái là giải pháp và kết quả. Lý tưởng nhất là mỗi bên có 3-4 ý.
Chủ đề của Task 2 mang tính xã hội cao nên muốn có ý tưởng, thí sinh cần đọc, tích lũy kiến thức nhiều. Từ vấn đề được đưa ra, thí sinh cần diễn đạt được sự ảnh hưởng của nó tới các khía cạnh khác nhau của xã hội.
"Quan trọng là ảnh hưởng cuối cùng tích cực hay tiêu cực. Đọc xong, giám khảo phải biết được vấn đề đó mang lại giá trị gì với các đối tượng trong xã hội nói chung thì bài viết mới đầy đủ", cô Nương nói.
Theo các chuyên gia, học sinh Việt Nam thường mắc một số lỗi phổ biến ở cả Task 1 và Task 2. Ví dụ như viết câu overview ngắn, chưa biết cách kiểm soát thời gian, chú trọng vào từ vựng và quên mất ngữ pháp nên diễn đạt không rõ ràng.
Về từ vựng, cô Ngô Ngọc Mai, giáo viên tiếng Anh hơn 13 năm kinh nghiệm, lưu ý thí sinh dùng từ đúng ngữ cảnh, không đơn giản nhưng cũng không nên quá khó.
"Bạn muốn chọn từ nào thì nên tra từ điển Anh - Anh xem có đúng sắc thái, ý nghĩa bạn đang muốn không, tránh mắc lỗi từ dùng cho người lại đi tả cảnh", cô Mai nói, gợi ý tham khảo cuốn English Grammar in Use để học về cách kết hợp từ.
Còn ông Oliver khuyên thí sinh tránh tối đa việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ vì chúng mang tính văn nói, trong khi bài thi Viết mang tính học thuật cao hơn.
Theo dõi buổi chia sẻ từ đầu tới cuối, Nguyễn Hải Đăng, lớp 12, trường THPT Bến Tre, Vĩnh Phúc, đã biết cách khắc phục các lỗi trong dạng bài ở Task 1. Đăng học IELTS từ năm lớp 10 nhưng chưa tự tin nhất ở kỹ năng Viết. Nam sinh cùng một số bạn bè về Hà Nội dự hội thảo từ 6h sáng nay.
"Buổi chia sẻ rất bổ ích. Em dự định thi IELTS để xét tuyển đại học", Đăng cho biết.
(theo vnexpress.vn)